Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Thèm một mái ấm...

Nếu có người được sinh ra trong hạnh phúc, thì cũng không ít người sinh ra trong sự bất hạnh.

Con trai tôi có nhiều bạn là người khuyết tật.
Diễm là một trong số ấy. Diễm bằng tuổi với con, năm nay hai mươi sáu.
Con trai chở mẹ đến thăm bạn khi nghe bạn nói muốn vào một mái ấm.
Con đường từ Saigon về Long An chưa đến năm mươi km nhưng trời thứ bảy rất nắng. Thỉnh thoảng con lại quay xuống hỏi : mẹ có mệt không ? - Không sao đâu con, mẹ khỏe, mẹ ngồi xe "xịn" lắm, con đừng lo.
Đây là lần thứ hai con đến vậy mà nó vẫn lộn đường. Sau khi đi tới đi lui để hỏi, mẹ con tôi vào được nhà Diễm. Căn nhà khá rộng nhưng hết sức bừa bộn vì không người chăm sóc, dọn dẹp. Mẹ Diễm đau nặng, nằm bệnh viện hơn tháng nay rồi. Diễm có khuôn mặt tươi tắn, giọng nói nhỏ nhẹ. Em đang ngồi tựa lưng vào thành giường. Hai chân không thể cử động chút nào, hai tay rất yếu, chỉ có thể cầm được những vật nhẹ. Diễm cũng không thể ngồi xe lăn vì chân chỉ cần thòng xuống năm, mười phút là đau thốn tới cột sống. Quanh năm suốt tháng đoạn đường em di chuyển chỉ trên chiếc giường đôi ấy.

Tôi hỏi Diễm về những ngày con gái trong một tháng cháu phải làm sao ?
Diễm chỉ vào cái vòi nước cạnh giường và trả lời tôi : anh con bắt cho con ống nước ở đây nè cô, để con tự làm vệ sinh. Khi cần phải xuống nhà vệ sinh hay nhà tắm thì em trai con ẵm. Anh trai của Diễm đã có gia đình riêng, cũng không khá giả gì, tay làm hàm nhai, cách nhà ba má Diễm không xa lắm. Còn em trai tên Chiến, đang học lớp 9, cậu bé nhà nghèo nhưng khuôn mặt sáng sủa, khôi ngô, nhìn thật hiền lành. Diễm khá mập, cái mập của dinh dưỡng nuôi một cơ thể không cân đối, chỉ dồn ở giữa thân mình, nên em trai ẵm Diễm hơi bị vất vả rồi.
Diễm nói với tôi bằng giọng buồn buồn : con muốn được nhận vào một mái ấm, con không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình. Sang năm em trai con vào cấp ba, để nó ẵm hoài con thấy thương nó lắm cô. Mẹ con đau hơn mười năm, giờ biến chứng tùm lum, một mai không còn mẹ, con buồn lắm cô ơi !

Tôi đi ra phía sau nhà nhường chỗ cho hai đứa bạn nói chuyện.
Cây ớt thật nhiều trái, tôi vừa đón những ngọn gió mát, vừa hái những trái ớt chín, vừa nghe hai đứa nhỏ nói chuyện ở bên trong. Tôi nghe tiếng Diễm nói với con trai :
- Cám ơn Quang đã nói chuyện với Diễm tới 12 giờ khuya. Khuya đó mẹ Diễm vào bệnh viện, Diễm buồn quá không biết nói với ai.
Nếu không nghe cô bé ấy nói, tôi đâu biết hôm đó con trai tôi đã cho bạn mượn một bờ vai.

Có biết bao trẻ mồ côi thèm gọi một tiếng cha, thèm một vòng tay ôm của mẹ, thèm một tiếng cười đùa với anh chị em. Trong căn nhà đang sống Diễm vẫn có người thân nhưng cha thì tất bật với ruộng lúa, với đàn gà vịt, với nỗi lo vợ nằm bệnh viện, không biết có qua khỏi ? Em trai thì chưa đủ lớn. Tôi nghĩ về một ngày rất gần sau khi mẹ em từ bệnh viện trở về. Nếu trời thương cho khỏe mạnh không nói làm chi. Nếu bệnh trở nặng hai mẹ con mỗi người một giường, mẹ nhìn con xót xa, con nhìn mẹ bất lực vì không làm gì được cho nhau... thật không cảnh khổ nào bằng !  Diễm cô đơn với chính mình, với mặc cảm dày vò là một gánh nặng cho ba mẹ, cho em. Vậy nên cô bé ấy muốn bỏ tất cả lại sau lưng, thèm được đến một nơi xa lạ để cuộc đời mình không phải lụy phiền đến những người thân yêu. Nếu đem đặt lên bàn cân và so sánh thì cái khổ đau nào chua xót và ngậm ngùi hơn ?

Nhưng thường các mái ấm chỉ nhận những trường hợp cô đơn, không người chăm sóc.
Trường hợp của Diễm, tôi không biết có mái ấm nào dành cho cháu ? 
Mặt trời đứng bóng. Ánh nắng vẫn rất gay gắt.
Tôi chia tay Diễm, dù cháu khẩn khoản nài tôi ở lại thêm chút nữa.
Gởi tặng cô bé một chút sẻ chia về tinh thần và cuộc sống. 
Tôi chỉ muốn đem đến cho cô bé ấy một chút niềm vui, mong cháu có được những tình cảm bạn bè yêu thương,chân thật, để vơi đi những mênh mông buồn của một kiếp người...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét