Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Bố tôi và mái ấm

Bố đó !
Tôi theo đạo Thiên Chúa nên ít khi để ý ngày âm lịch, chỉ nhớ cứ quốc khánh 2/9 là sắp đến ngày giỗ bố. Sau vài năm thì mới phát hiện ra là trùng vào tháng 7 âm lịch. Mà với đạo Phật thì tháng bảy lớn lắm : đó là tháng hiếu hạnh, có lễ vu lan, người ta làm từ thiện rất nhiều trong tháng này. Thằng Be em tôi hay làm việc thiện nên nó luôn kết hợp sau khi lên nghĩa trang thăm bố là ghé vào thăm mái ấm luôn, mỗi năm thăm một mái ấm khác nhau. Bố tôi cả đời luôn tích đức cho con nên chuyến đi thăm các mái ấm cũng là để bố vui lòng. Anh chị em ai hùn bao nhiêu cũng được, còn lại bao nhiêu nó lo tất. Cái thằng thiệt có hiếu, thân nó gầy ốm tong teo mà lo từ trong ra ngoài, từ bố má, anh chị em đến những người xa lạ...

Bố tôi nằm ở nghĩa trang thành phố. Chung quanh bố toàn là mộ của những người tham gia cách mạng vài mươi năm, mộ bia họ ghi quá trời huân huy chương kháng chiến, chắc độc nhất vô nhị một người trên mộ bia khắc tên thánh là Phêrô là bố.
Trên mộ bố quá trời thức ăn : nào là bánh trung thu, vịt quay, bánh mì, chả lụa, trái cây đủ loại, hoa tươi, nhang nghi ngút khói. Cả nhà đọc kinh cho bố xong thì ngồi ăn với nhau, vừa ăn vừa tán gẫu, thằng Cường em trai kế tôi có khiếu kể chuyện hài, chuyện nào nó kể cũng làm cho người ta mắc cười trong khi khuôn mặt nó thì tỉnh rụi. chắc bố cũng đang ngồi giữa chúng tôi để cùng chung niềm vui sum họp...
 
Rời nghĩa trang, chúng tôi đến thăm mái ấm Hoa Hồng của các soeur dòng Đa Minh. Trong sân có tượng thánh Martin da đen là vị thánh của người nghèo. Thánh Martin ngày xưa cũng là thầy dòng Đa Minh. Ngày đó kỳ thị chủng tộc còn nặng nề lắm : các thầy da đen không được làm linh mục.
Sr phụ trách mái ấm và gia đình

Tôi nói chuyện với một cô già nhất trong mái ấm, năm nay cô được 76 tuổi, lưng bị gù nhiều. Cô kể chuyện cô là người có thâm niên nhiều nhất trong mái ấm này : đã hơn mười năm. Quê cô tận miền Bắc xa xôi, nghèo và đơn chiếc, không chồng con, không anh em. Các sr đã gặp và mang cô vào đây sống nốt quãng đời còn lại. Tôi vuốt lưng gù của cô và nói : đó là hạnh phúc phải không cô ? Cô cười đồng ý và nói với tôi rằng cô luôn tạ ơn Chúa vì điều này.

Sau những cốc nước lọc trong lành của các soeur, chúng tôi gặp các em mồ côi chạy lăng quăng vui đùa với khách, các em còn quá nhỏ để chưa cảm nhận được nỗi buồn của thân phận cút côi. Các em thiểu năng trí tuệ đang ngồi ngay ngắn trên ghế để chào khách... tất cả đều có một điểm chung là ánh mắt dại khờ, nụ cười vô cảm. Quả thật các em đang sống chung trong một không gian với chúng ta nhưng tâm hồn có lẽ đang lang thang trong thế giới riêng mình đơn lẻ. Duy có một bé gái khá lanh lợi, đi theo gia đình tôi suốt, cũng biết làm duyên làm dáng khi chụp hình. Lúc nào bé cũng cười, nụ cười thân thiện, vô tư
.
Phượng múa với các em
Chuẩn bị tặng quà
Các sr mở nhạc để các em múa làm vui cho khách. Vậy mà rất hay nhé ! khi nhanh khi chậm từng động tác rất đều nhau. Em dâu tôi cũng hòa mình vào chung dòng nhạc vui ấy cùng với các em. Có bé còn mạnh dạn hát cho chúng tôi nghe, giọng hát non nớt tan loãng vào không gian chỉ có tiếng ê a vô cảm của các bạn chung quanh.

Trở về khi trời đã quá trưa, nhường chỗ cho đoàn khách mới vừa đến. Chúng tôi tạm biệt các sr, tạm biệt cô gù, tạm biệt các em với những cái vẫy tay, những cái ôm trên thân hình còm cõi bệnh tật, những đôi mắt khờ khạo, nụ cười ngu ngơ, méo xệch...

Tôi cảm thấy chạnh lòng khi giã từ mái ấm. Không biết từ bao giờ tôi yêu từ "chạnh lòng" trong đoạn Tin mừng khi Chúa thấy dân chúng đi theo Chúa mà chẳng có gì để ăn. Chúa chạnh lòng nên Người sai chúng tôi đến tiếp tay với Người ở những nơi như thế này đây. Và còn ở rất nhiều nơi trên hè phố, ngay bên cạnh chúng tôi. Cũng như họ, tôi nghĩ Chúa rất cần những tấm lòng...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét